SƠ LƯỢC VỀ CÂY BỒ HÒN

Vũ Nga
2021-01-08

1.Hình thái cây bồ hòn

Cây bồ hòn là loại cây thân gỗ, chiều cao từ 10 đến 20m, đường kính thân tròn từ 20-30cm, mùa khô lá rụng nhiều. Lá bồ hòn có dạng nhỏ và dài, đối nhau. Cành non tròn, xám vàng, lá thường mọc tập trung ở gần đầu cành. Quả mọc thành chùm, khi non có màu xanh, già chuyển màu vàng nhẹ, hạt màu đen rất cứng trông long lanh . Cụm hoa hình chùy, dài khoảng 15 đến 30cm, mọc ở đầu cành, khi còn non thường có lông tơ. Hoa lưỡng tính, không cuống, màu xanh lục nhạt hoặc lục vàng, nhỏ, có 5 lá dài ,mọc xòe 5 cánh hoa hình trứng hay hình mác, ít lông hoặc gần như nhẵn, màu trắng lục ,cong, nhị 8 dài hơn cánh hoa, bầu hình trứng, gốc chỉ nhị có lông vòi nhụy ngắn. Quả bồ hòn mọng, dạng hình cầu kích thước khoảng 2cm, dưới gốc có dấu vết của 2 lá noãn bị thui, lớp thịt dày bao quanh hạt, khi chín chuyển màu vàng nâu. Hạt quả bồ hòn cũng hình cầu rất cứng, có màu đen hoặc màu cánh gián, phôi chứa dầu.

Còn loại quả non hơn,thịt mỏng hơn và khi khô thì da sẽ nhăn nheo thuộc loại 2. Loại này dùng cũng được nhưng chất lượng sẽ không như loại 1.

2.Phân bố cây bồ hòn

Cây bồ hòn được trồng rất nhiều ở các tỉnh miền bắc nước ta. Một số tỉnh điển hình như Lạng Sơn,Tuyên Quang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Cúc Phương. Ở các tỉnh miền trong như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Đồng Nai, Gia Lai, Côn Đảo cây bồ hòn cũng được trồng nhiều ở những nơi này.

Trên thế giới ở các nước châu Á cũng có sự phân bố của cây bồ hòn như : Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Các nước đông nam Á như Lào, Malaysia, Philippin, Indonesia… và các khu vực nhiệt đới châu Mỹ La tinh

3.Đặc điểm sinh học cây bồ hòn

Cây bồ hòn mọc rải rác trong các khu rừng rậm, rừng thứ sinh, ẩm; ven rừng, ven suối. Cây cũng được trồng ven làng bản hoặc ở đình chữa. Bồ hòn ưa sáng, ưa ẩm, ưa đất tốt, lớp đất mặt sâu dày. Cây chịu hạn, nhưng không chịu úng. Cây cũng có thể mọc trên nhiều loại đất khác nhau. Trong tự nhiên, cây tái sinh từ hạt rất tốt và sinh trưởng nhanh. Bồ hòn cũng có khả năng tái sinh chồi từ gốc khoẻ. Cây có thể ra hoa, kết quả hàng năm. Mùa hoa tháng 4-5, mùa quả tháng 10-11. Thời gian cây Bồ Hòn ra hoa kết trái là tháng 7-9 và quả chín vào thời điểm tháng 10-12, Quả Bồ Hòn có hình cầu, nổi rõ đường sống phía ngoài vỏ, cùi dày, khi quả chín sẽ nhăn nheo, màu của vỏ vàng nâu; hạt tròn và có màu đen. Người dân hái quả bồ hòn về để nguyên cả quả hoặc bóc vỏ sau đó phơi khô.

Trong quả bồ hòn có chứa một hoạt chất tên là Saponin, đây là một loại chất tự nhiên có thể thay thế hoàn toàn bột giặt và chất tẩy rửa hóa học. Khi tiếp xúc với nước sẽ xuất hiện bọt,tương tự như xà phòng. Mặc dù có tính tẩy rửa rất tốt nhưng bồ hòn lại có một lợi thế cực kỳ quan trọng đó là rất lành tính, không làm tổn hại da tay cũng như giữ cho quần áo không bị ăn mòn, rất thích hợp với các loại vải như vải len hay vải lụa

4. Công dụng cây bồ hòn

Từ xa xưa ông cha ta đã biết đến quả bồ hòn, khám phá ra khả năng đặc biệt của nó, do vậy các cụ đã sử dụng quả bồ hòn để làm chất tẩy rửa. Đến thời cận đại một số địa phương vẫn thường dùng quả bồ hòn để giặt quần áo thay cho xà phòng, với những loại vải bằng len, bằng lụa không chịu được độ kiềm của xà phòng thì quả bồ hòn là thứ thay thế tốt nhất.

Để tận dụng được hết khả tăng tẩy rửa của bồ hòn, ngày nay người ta đã điều chế ra một loại nước tẩy rửa gọi là enzym bồ hòn. Nó được lên men khi ngâm ủ bồ hòn, kết hợp với xà phòng hữu cơ dầu dừa, tinh dầu thơm của quế tạo nên một loại dung dịch tẩy rửa hoàn toàn từ thiên nhiên. Dung dịch này có tác dụng tẩy rửa đa năng có thể thay thế hoàn toàn cho nước tẩy rửa hóa học. Enzym bồ hòn được sử dụng để rửa bát đĩa, cốc chén, lau sàn nhà, lau kính

Không chỉ có chức năng tẩy rửa, theo y học cổ truyền bồ hòn còn có tác dụng chữa một số bệnh như ho, trừ đờm; nhân quả bồ hòn còn có tác dụng chữa chứng hôi miệng, sâu răng. Hạt quả bồ hòn được nghiền ra làm thuốc gây mê, sát trùng. Rễ và quả thì dùng chữa được các bệnh như sốt, viêm phế quản, cảm cúm, viêm họng, ho,tiêu hóa kém, bạch hầu,bạch đới, trị nấm ở da, ghẻ lở…  Vỏ cây bồ hòn khi giã nát hòa với nước còn có tác dụng làm thuốc diệt giòi bọ và trừ sâu. Phần gỗ của bồ hòn cũng được tận dụng để đóng các vật dụng thông thường trong nhà,xẻ ván ép và đặc biệt là làm lược chải đầu rất đẹp.

Danh mục: Cẩm Nang Tin Tức